Cloud hay điện toán đám mây là thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cloud không đơn thuần là trung tâm lưu trữ hiện đại mà còn là nền tảng tối ưu để phân phối nội dung, backup dữ liệu và phát triển các công nghệ liên quan. Bài viết sau đây, Học Viện Công Nghệ Thông Tin – Hướng Nghiệp Á Âu sẽ giúp bạn khám phá tổng quan kiến thức về nền tảng điện toán đám mây đang rất phổ biến trong thị trường công nghệ hiện nay.
Điện toán đám mây đang là xu hướng dẫn dầu trong ngành IT,
được nhiều doanh nghiệp lớn tin tưởng sử dụng (Ảnh: Internet)
Nền tảng Cloud là gì?
Cloud hay điện toán đám mây là một môi trường ảo được xây dựng trên hạ tầng internet và dịch vụ mạng. Công nghệ này cho phép người dùng truy cập và sử dụng các tính năng như lưu trữ, xử lý dữ liệu, cài đặt phần mềm… thông qua internet mà không tiêu tốn bất kỳ tài nguyên phần cứng nào của hệ thống.
Thuật ngữ “đám mây” là một cách nói ẩn dụ cho hoạt động lưu trữ và xử lý thông tin trên các máy chủ từ xa.
Người dùng chỉ cần kết nối internet và trả phí theo mức độ sử dụng thay vì đầu tư chi phí quá lớn cho một cơ sở hạ tầng phức tạp. Điều này mang đến sự linh hoạt và khả năng mở rộng vượt trội, đồng thời đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Không phải “đám mây” như nghĩa đen, Cloud là mô hình cung cấp đa dạng
các dịch vụ công nghệ trên môi trường internet (Ảnh: Internet)
9 Lợi ích hàng đầu của công nghệ điện toán đám mây
Lưu trữ dữ liệu
Người dùng có thể lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ trên máy chủ đám mây, thoát ly khỏi sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên phần cứng. Hơn hết, lưu trữ dữ liệu trên Cloud mang đến khả năng tự điều chỉnh, cập nhật dữ liệu một cách trực tiếp và linh hoạt dựa trên môi trường internet.
Không đâu xa lạ, một ví dụ phổ biến và dễ hình dung nhất về điện toán đám mây là dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên Google Drive. Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản miễn phí là có thể lưu trữ dữ liệu trên nền tảng đám mây của mình. Dĩ nhiên, nếu là kho dữ liệu khổng lồ như của doanh nghiệp, bạn phải tốn mức chi phí tương ứng với nhu cầu sử dụng.
Tiết kiệm chi phí
Thay vì đầu tư vào máy chủ vật lý và tài nguyên phần cứng đắt đỏ, bạn có thể sử dụng dịch vụ đám mây để lưu trữ dữ liệu hiệu quả.
Cloud giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách vì mức chi phí bỏ ra cho không gian lưu trữ chính là những gì mà doanh nghiệp đã thực sự sử dụng.
Khả năng truy cập từ xa
Khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, người dùng có thể dễ dàng truy cập, thay đổi, điều chỉnh và thậm chí là xóa bỏ dữ liệu mà không liên quan đến yếu tố vị trí địa lý. Chỉ cần thiết bị của bạn kết nối internet là có thể dễ dàng khai thác kho dữ liệu dù ở bất kỳ đâu.
Độ bảo mật cao
Cloud được tích hợp nhiều lớp bảo mật hiệu quả như tính năng kiểm soát người dùng truy cập, quản lý đầu vào/ đầu ra của dữ liệu, sao lưu tự động, mã hóa thông tin… giúp doanh nghiệp đối phó với mối đe dọa từ hacker, tin tặc.
Dữ liệu của doanh nghiệp luôn được bảo mật và sao lưu liên tục trên hệ thống đám mây (Ảnh: Internet)
Tính linh hoạt vượt trội
Đặc tính ưu việt của Cloud là không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, tạo sự linh hoạt, thuận tiện trong công việc lưu trữ, quản lý hệ thống dữ liệu.
Xử lý và phân tích dữ liệu
Dịch vụ điện toán đám mây bao gồm đa dạng công cụ tính toán, phân tích dữ liệu trên hệ thống lớn (Big Data), giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa ra quyết định chiến lược dựa trên nguồn tài nguyên dữ liệu trực quan và chính xác.
Sao lưu và phục hồi dữ liệu
Lưu trữ dữ liệu trên phần cứng thường đi kèm với nhiều rủi ro như bị đánh cắp hoặc bị tác động bởi yếu tố thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn… Theo đó, Cloud là giải pháp lưu trữ thay thế hiện đại và hiệu quả.
Nếu hệ thống bị tấn công mạng hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, các bản sao lưu trên đám mây vẫn đảm bảo rằng dữ liệu luôn an toàn và có thể được phục hồi nhanh chóng.
Cập nhật phần mềm tự động
Cloud luôn cập nhật phiên bản nâng cấp theo thời gian, mở ra một thế giới lưu trữ và xử lý dữ liệu hàng đầu, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Dễ dàng quản lý
Cloud cung cấp đầy đủ tính năng quản lý trên hệ trình duyệt, người dùng có toàn quyền quản lý tài nguyên, cài đặt server, phát triển ứng dụng…
Cuộc cách mạng điện toán đám mây đang ngày càng bùng nổ,
mang lại vô vàn cơ hội phát triển cho doanh nghiệp (Ảnh: Internet)
3 Mô hình dịch vụ điện toán đám mây phổ biến nhất hiện nay
SaaS – Phần mềm dưới dạng dịch vụ
SaaS (Software as a Service) là loại nền tảng đám mây cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào một phần mềm hoặc ứng dụng được xây dựng hoàn chỉnh. SaaS giúp người dùng tiết kiệm chi phí, năng lượng và cơ sở hạ tầng nhờ những tính năng như truy cập dễ dàng, triển khai nhanh chóng, dễ dàng tích hợp với dịch vụ khác và chi trả chi phí dựa trên mức độ sử dụng.
Một số dịch vụ điện toán đám mây nổi tiếng được triển khai dưới dạng mô hình SaaS như: Google Workspace, Microsoft 365, Salesforce, VNPT Invoice…
PaaS – Nền tảng dưới dạng dịch vụ
PaaS (Platform as a Service) là mô hình dịch vụ điện toán đám mây cho phép lập trình viên thiết kế và phát triển ứng dụng mà không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại chỗ. PaaS cung cấp môi trường xây dựng ứng dụng hiệu quả nhờ các tính năng viết mã nguồn, kiểm thử, triển khai, quản lý và mở rộng ứng dụng một cách dễ dàng.
5 ví dụ tiêu biểu về các nền tảng điện toán đám mây sử dụng mô hình PaaS như: Google App Engine, Microsoft Azure App Service, Amazon Elastic Beanstalk, IBM Cloud Foundry và DigitalOcean App Platform.
IaaS – Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ
IaaS (Infrastructure as a Service) là loại dịch vụ cho phép người dùng thuê các tài nguyên máy chủ và cơ sở hạ tầng quản lý hệ thống công nghệ thông tin thay vì phải tốn phí mua và duy trì chúng.
Có rất nhiều nhà cung cấp IaaS phổ biến hiện nay như Microsoft Azure, Google Cloud, Amazon Web Services (AWS)…
3 mô hình điện toán đám mây hàng đầu hiện nay là SaaS, PaaS, IaaS (Ảnh: Internet)
Có thể dễ dàng nhận thấy, điện toán đám mây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc như hiện nay. Hiểu rõ và tận dụng nền tảng Cloud một cách hiệu quả sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng phát triển trong thời đại 4.0. Hy vọng rằng, bài viết trên sẽ giúp bạn nắm vững kiến thức về chủ đề “Cloud được hiểu như thế nào?”. Cùng đón xem những bài viết tiếp theo của Học Viện Công Nghệ Thông Tin – Hướng Nghiệp Á Âu để khám phá thêm nhiều kiến thức và giải pháp công nghệ hàng đầu hiện nay.
Ý kiến của bạn