OOP là gì? Khái niệm cơ bản về lập trình hướng đối tượng

Lập trình hướng đối tượng là một trong những kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, được các lập trình viên sử dụng để tạo nên các ứng dụng, phần mềm một cách linh hoạt, hiệu quả. Thành thạo phương pháp này sẽ giúp bạn phát triển tay nghề và nâng cao hiệu suất công việc. Vậy lập trình hướng đối tượng là gì? Bạn hãy cùng học viện công nghệ thông tin – Hướng Nghiệp Á Âu tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Lập trình hướng đối tượng

Lập trình hướng đối tượng là một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong ngành Công nghệ thông tin (Ảnh: Internet)

Lập trình hướng đối tượng là gì?

Lập trình hướng đối tượng (Object – Oriented Programming, viết tắt là OOP) là phương pháp mà các lập trình viên sẽ sử dụng đối tượng làm nền tảng để xây dựng các chương trình, ứng dụng, phần mềm… Ngoài ra, kỹ thuật này còn có thể định nghĩa là phương pháp lập trình dựa trên các lớp (class) và đối tượng (object).

Các khái niệm cơ bản trong lập trình hướng đối tượng

Trong lập trình hướng đối tượng, có hai khái niệm cơ bản mà bạn cần nắm vững là đối tượng (Object) và lớp (Class):

Đối tượng (Object)

Đối tượng có thể hiểu là một thực thể như người, vật, bảng dữ liệu… được mô hình hóa bằng máy tính. Mỗi đối tượng sẽ bao gồm 2 thông tin là thuộc tính và phương thức:

  • Thuộc tính: Là những thông tin, đặc điểm của đối tượng được lập trình.
  • Phương thức: Là những thao tác, hành động mà đối tượng đó có thể thực hiện sau khi lập trình xong.

Ví dụ: Khi lập trình đối tượng là một chiếc điện thoại, thuộc tính của điện thoại sẽ là màu sắc, hệ điều hành, bộ nhớ… còn phương thức là gọi điện, chụp ảnh, nhắn tin, nghe gọi…

Lớp (Class)

Lớp là một kiểu dữ liệu bao gồm các thuộc tính và phương thức chung cho một nhóm đối tượng. Những đối tượng có đặc điểm tương tự sẽ được gom thành một lớp. Bên cạnh đó, lớp cũng thường được dùng để định nghĩa kiểu dữ liệu mới.

Lớp là khuôn mẫu để tạo nên những đối tượng

Lớp là khuôn mẫu để tạo nên những đối tượng khác nhau (Ảnh: Internet)

Sự khác biệt giữa Đối tượng và lớp là gì?

Có thể nói, lớp là một khuôn mẫu, được các lập trình viên dựa vào để tạo nên các đối tượng mang những đặc điểm cụ thể hơn. Ví dụ: Khi nói đến xe hơi, bạn sẽ nghĩ ngay đến những điểm đặc trưng như có 4 bánh, thiết kế dạng khung, có chỗ ngồi… đây chính là khuôn mẫu chung của mọi chiếc xe và được gọi là lớp xe. Còn đối tượng là những chiếc xe sở hữu toàn bộ những điểm kể trên, nhưng mang một thương hiệu cụ thể hoặc có màu sắc, hình dáng khác nhau.

Những đặc điểm của lập trình hướng đối tượng là gì?

đặc điểm của lập trình hướng đối tượng

4 đặc điểm của OOP là tính đóng gói, tính đa hình, tính trừu tượng và tính kế thừa (Ảnh: Internet)

Lập trình hướng đối tượng có 4 đặc điểm chính như sau:

Tính Đóng gói (Encapsulation)

Trong lập trình hướng đối tượng, các lập trình viên sẽ đóng gói dữ liệu, phương thức có liên quan với nhau thành các lớp. Điều này giúp việc sử dụng đối tượng trở nên đơn giản hơn, dễ quản lý, bảo trì. Tính đóng gói còn cho phép bạn giấu đi một số thông tin và những chi tiết nội bộ để người ngoài không nhìn thấy.

Tính Đa hình (Polymorphism)

Tính đa hình trong lập trình hướng đối tượng là khái niệm dùng để chỉ hai hoặc nhiều đối tượng có thể thực thi cùng một chức năng nhưng theo những cách khác nhau. Ví dụ: Bạn có 2 con chó và mèo, khi cả hai cùng nghe mệnh lệnh “kêu đi” thì chó sẽ sủa “gâu gâu” còn mèo sẽ kêu “meo meo”.

Tính trừu tượng (Abstraction)

Là 1 trong 4 thuộc tính của lập trình hướng đối tượng, tính trừu tượng được hiểu là việc các lập trình viên chỉ cần khai báo những phương thức, thuộc tính cần thiết, lược giản những thông tin, chi tiết nhỏ hơn để giải quyết vấn đề hiện có một cách nhanh chóng. Điều này giúp bạn giảm thiểu sự phức tạp trong khâu phát triển, bảo trì phần mềm, đồng thời tạo ra những đoạn mã dễ hiểu, dễ sử dụng hơn.

Tính kế thừa (inheritance)

Tính kế thừa cho phép các lập trình viên xây dựng một lớp con kế thừa những thuộc tính, phương thức từ một lớp khác, gọi là lớp cha. Không chỉ trực tiếp sử dụng mà không cần định nghĩa hay khai báo lại, các lập trình viên còn có thể mở rộng hoặc thay đổi những thành phần mà lớp con kế thừa từ lớp cha để phục vụ cho mục đích của mình.

Ưu và nhược điểm của lập trình hướng đối tượng

Ưu điểm

Lập trình hướng đối tượng mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời, giúp các lập trình viên ứng dụng để tạo nên sản phẩm, website… một cách thuận lợi, dễ dàng. Một số ưu điểm của kỹ thuật lập trình này có thể kể đến như:

Có khả năng tái sử dụng cao

Bằng cách tạo nên những lớp và đối tượng, bạn có thể tái sử dụng chúng trong nhiều phần của chương trình, ứng dụng, website mà không cần phải khai báo hay định nghĩa lại, đồng thời tiết kiệm tài nguyên, thời gian xây dựng phần mềm và gia tăng hiệu suất làm việc.

Dễ bảo trì

Sử dụng lập trình hướng đối tượng cũng giúp bạn dễ dàng bảo trì hơn bởi mã nguồn được chia thành từng lớp riêng biệt, mỗi lớp thực hiện một chức năng cụ thể. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng xác định vị trí lỗi và đưa ra các biện pháp sửa chữa, khắc phục phù hợp.

Ưu điểm của lập trình hướng đối tượng

Lập trình hướng đối tượng giúp các lập trình viên dễ dàng bảo trì các phần mềm, ứng dụng (Ảnh: Internet)

Tính linh hoạt và bảo mật cao

Nhờ tính kế thừa và đa hình, lập trình viên có thể dễ dàng mở rộng, nâng cấp phần mềm mà không gây ảnh hưởng hoặc thay đổi đến mã nguồn đã viết trước đó. Đồng thời, với khả năng đóng gói thuộc tính, phương thức một cách dễ dàng, dữ liệu và thông tin sẽ được bảo mật an toàn hơn.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, lập trình hướng đối tượng cũng có những nhược điểm như sau:

Cấu trúc phức tạp

Trong những dự án lớn, số lượng các lớp, đối tượng, thành phần… trong hệ thống OOP có thể rất lớn và phức tạp. Điều này khiến các lập trình viên, đặc biệt là những người mới, cảm thấy khó hiểu và gặp khó khăn trong quá trình làm việc.

Chương trình chậm và có kích thước lớn

Do sử dụng nhiều câu lệnh để thực thi cùng việc phải viết nhiều đoạn code để mô tả những đối tượng, lớp… nên các chương trình, dự án có quy mô lớn khi sử dụng phương pháp lập trình hướng đối tượng thường chậm và có kích thước lớn hơn.

Chương trình chậm và có kích thước lớn

Một trong những nhược điểm của OOP là khiến kích thước chương trình trở nên lớn hơn (Ảnh: Internet)

Không phù hợp với mọi vấn đề

Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng lập trình hướng đối tượng sẽ không phải giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải. Vì vậy, bạn cần xem xét “bài toán” thật kỹ lưỡng, sau đó đưa ra phương án phù hợp để xử lý.

Ứng dụng của lập trình hướng đối tượng là gì?

Thiết kế trò chơi điện tử

OOP là một trong những kỹ thuật được các lập trình viên sử dụng trong việc tạo nên những game từ đơn giản đến phức tạp. Bằng cách sử dụng các đối tượng và lớp, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong quá trình phát triển, đồng thời dễ dàng sửa đổi và mở rộng trò chơi của mình.

Thiết kế web

OOP còn được sử dụng trong lập trình website. Ứng dụng những tính chất, đặc điểm của lập trình hướng đối tượng, lập trình viên sẽ tạo nên những trang web có giao diện thân thiện, dễ tương tác và bảo trì.

Phát triển phần mềm

Với những ưu điểm như có thể tái sử dụng code, dễ dàng mở rộng, sửa đổi và bảo trì, lập trình hướng đối tượng được sử dụng rất nhiều trong việc phát triển các phần mềm, ứng dụng… Đây được xem là giải pháp giúp các lập trình viên gia tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ công việc.

Ứng dụng của lập trình hướng đối tượng là gì

OOP thường được các lập trình sử dụng để xây dựng nên nhiều ứng dụng, phần mềm… (Ảnh: Internet)

Lập trình hướng đối tượng là một trong những phương pháp phổ biến hiện nay, mang lại nhiều lợi ích và giúp các lập trình viên, nhà phát triển nhanh chóng xây dựng những chương trình, ứng dụng… Hy vọng với bài viết trên đây của Học Viện Công Nghệ Thông Tin – Hướng Nghiệp Á Âu, bạn đã biết được lập trình hướng đối tượng là gì cùng những đặc điểm của kỹ thuật này. Đừng quên theo dõi những bài viết của Học Viện để cập nhật những kiến thức, thông tin mới nhất về ngành Công nghệ thông tin bạn nhé!

Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc muốn lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng công nghệ, bạn hãy gọi đến số tổng đài 1800 255616 hoặc điền đầy đủ thông tin liên hệ vào form bên dưới để được Học Viện liên hệ tư vấn chi tiết về các khóa học nhanh chóng và chính xác nhất.

Điểm: 4.8 (25 bình chọn)

Tác giả: Phan Thanh

Là một lập trình viên chuyên về phát triển phần mềm và giải quyết các bài toán kỹ thuật, Phan Thanh đã làm việc trên nhiều dự án trong và ngoài nước, từ phát triển ứng dụng web và di động đến xây dựng các hệ thống phức tạp và giải pháp phần mềm tùy chỉnh. Hy vọng rằng những chia sẻ và kinh nghiệm của Phan Thanh sẽ mang lại giá trị và cảm hứng cho các bạn đang quan tâm đến lĩnh vực lập trình và phát triển phần mềm.

Bài viết liên quan

Database (cơ sở dữ liệu) là một hệ thống tổ chức và quản lý dữ liệu theo một cấu trúc…

Các loại ngôn ngữ lập trình đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho sự đổi mới và phát…

Developer là vị trí quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, góp phần không nhỏ trong việc tạo…

Coder hay lập trình viên, là đội ngũ nhân sự IT thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngôn ngữ lập…

Trong ngành Công nghệ thông tin, bên cạnh những công việc phổ biến như lập trình viên, nhà phát triển…

Constructor (hàm tạo) là một phương thức đặc biệt trong lập trình hướng đối tượng (OOP), được sử dụng để…

Ý kiến của bạn